Giáo dục cảm xúc xã hội là chìa khoá thành công cho thế hệ Alpha
22 thg 04 2024 | Tin tức
Có một xã hội thu nhỏ mang tên trường học
Mặc dù đã ở độ tuổi trưởng thành, nhưng Minh Hằng (20 tuổi, Hà Nội) vẫn cảm thấy lo lắng mỗi khi đứng trước đám đông, cô cũng gặp nhiều khó khăn khi phải hoà nhập vào một môi trường mới. Hỏi ra mới biết, từ nhỏ cô thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc và bắt nạt, nhưng cô cũng không dám chia sẻ với ai. “Các bạn chắc đã quên nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ, những tổn thương tâm lý ám ảnh tôi đến tận bây giờ”.
Một người phụ nữ khác cũng rơi vào trạng thái hoang mang khi đứa con đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã tuyên bố ra mắt bạn gái, thậm chí là trốn học để đi chơi với “người thương”. Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn tình huống khó xử mà cả giáo viên, phụ huynh vẫn đang ngày ngày phải đối mặt và giải quyết.
Trên thực tế, trẻ đến trường không chỉ để thu nạp kiến thức mà còn để giao lưu, rèn luyện trong một xã hội thu nhỏ. Ở lứa tuổi còn nhỏ, sức khoẻ tinh thần của trẻ thường không ổn định, có cái tôi rất cao, số khác lại quá yếu đuối… mối quan hệ cảm xúc bị môi trường chi phối rất lớn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Nếu không có người thấu cảm, định hướng kịp thời, các em sẽ dễ bị sa vào những cảm xúc tiêu cực, hoặc đưa ra những quyết định thiếu lý trí.
Tầm quan trọng của giáo dục cảm xúc xã hội trong trường học
Giáo dục năng lực cảm xúc xã hội (Social & Emotional Learning – SEL) là quá trình mà người học áp dụng các kiến thức và kỹ năng để hiểu và quản lý cảm xúc; thiết lập và đạt được các mục tiêu tích cực; cảm nhận và thể hiện sự đồng cảm với người khác; thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực cũng như đưa ra được quyết định có trách nhiệm.
Từ thời Hy Lạp cổ đại, Plato đã đề xuất một chương trình giáo dục toàn diện; đào tạo cân bằng thể chất, hội họa, toán, khoa học, nhân cách, đạo đức chứ không thiên lệch về IQ. Đến thế kỷ XX, giáo dục cảm xúc xã hội tiếp tục được được khởi xướng ở nước Mỹ, tạo ra những thành tựu về sức khoẻ tinh thần cho cả xã hội nhiều năm sau đó.
Giáo dục cảm xúc xã hội là một trong các lĩnh vực giáo dục quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, điều này được thể hiện rõ không chỉ trong thực tiễn mà còn ở cả các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề giáo dục phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, Luật giáo dục 2019 đã chỉ rõ:
“Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có nhận thức đạo đức xã hội; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật;”
Như vậy, giáo dục cảm xúc có vai trò quan trọng trong giáo dục nhà trường, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Những kỹ năng nền tảng của năng lực cảm xúc bao gồm:
1. Khả năng biểu đạt cảm xúc
2. Khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của mình và của người khác
3. Khả năng đồng cảm và tự điều chỉnh cảm xúc
Khám phá tiết học SEL điển hình của ngôi trường hạnh phúc Alpha Schools - CGD
Tiên phong kiến tạo văn hóa trường học hạnh phúc trong suốt 10 năm qua, trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội (Alpha Schools - CGD) luôn dành sự quan tâm, thấu cảm với cảm xúc của học sinh và phụ huynh. Giáo dục cảm xúc xã hội (SEL - Social & Emotional Learning) được đưa vào thời khoá biểu cho trẻ ngay từ lớp 1, với mong muốn trang bị cho các em những năng lực cần thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu:
1. Tất cả học sinh đều đạt được thành công trong học tập, phát triển cảm xúc xã hội và định hướng nghề nghiệp dựa trên sự phù hợp về sở thích và khả năng.
2. Học sinh được chuẩn bị để trở thành một công dân có trách nhiệm trong cộng đồng mình sinh sống, thể hiện lòng cảm thông, nhân ái và sự tôn trọng với tất cả mọi người.
Trong một tiết học SEL, học sinh Alpha Schools - CGD sẽ được tham gia các hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành, dưới sự hỗ trợ của thiết bị dạy học, đặc biệt là công cụ tin học và các hệ thống tự động hoá của kỹ thuật số. Tiết học sẽ được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua đa dạng hình thức như: học lý thuyết, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, đọc sách, sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng…mang lại sự hào hứng và dễ tiếp thu cho trẻ.
Song hành với bộ môn SEL, nhà trường còn tổ chức các buổi tham vấn tâm lý học sinh, tổ chức workshop cho giáo viên và phụ huynh, truyền thông nâng cao hiểu biết tâm lý học đường quy mô toàn trường…
Cô Nguyễn Thị Thu An (chuyên viên Tâm lý Alpha Schools - CGD) khẳng định: “Chương trình SEL hướng tới việc xây dựng một không khí học đường tích cực, thúc đẩy tính công bằng và hiệu quả trong giáo dục thông qua mối quan hệ gắn kết giữa nhà trường – gia đình và cộng đồng. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, để trẻ mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.
Tin tức liên quan
18 thg 11 2024 | Tin tức
02 thg 11 2024 | Tin tức
15 thg 10 2024 | Tin tức