TẢN MẠN SAU CƠ BÃO SỐ 3 - TOÁN HỌC VÀ THỰC TẾ ĐỜI SỐNG TẠI CGD

Sau cơn bão số 3, thầy Lê Văn Mạnh - tổ trưởng tổ Toán trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội đã có những liên hệ và so sánh thực tiễn đời sống vào phương pháp dạy học môn Toán cho các bạn nhỏ CGD giúp các em hiểu hơn về ứng dụng của Toán học trong cuộc sống hàng ngày.

Những ngày qua những tin tức về cơn bão số 3 - siêu bão Yagi luôn là chủ đề được mọi người quan tâm. Trước khi bão về nhà nhà mua đồ ăn, người người che chắn, bảo vệ nhà cửa. Mưa to gió lớn bắt đầu, chung cư tôi các căn nhà phía tây bắt đầu có hiện tượng dột, thấm, nhiều chậu cây bị gió giật đổ, các cửa kính rung mạnh, thậm chí mọi người lo lắng nguy cơ vỡ các tấm cửa kính như đã xảy ra ở các địa điểm mà bão đi qua. Các kinh nghiệm chống bão bắt đầu được chia sẻ nhiều hơn cho anh em các căn nhà phía còn lại. Trong đó có 2 kinh nghiệm mà mọi người tìm hiểu được và truyền đạt lại:

  • Mở cửa, để hé các cửa sổ, cửa ra vào. Nguyên nhân là bởi khi để cửa mở, ngôi nhà sẽ được mở lối thông gió, từ đó giảm áp suất không khí trong nhà, giúp giảm nguy cơ vỡ kính.

  • Dán băng dính vào cửa kính, theo hình chữ X hoặc dán thành lưới. Mục đích của phương pháp này là để gia cố cửa kính, tạo thêm một lớp cố định để tạo sự chắc chắn cho khu vực cửa kính

Tinh thần đoàn kết của người dân khi các ô tô che chắn cho xe máy tránh gió trên cầu
Tinh thần đoàn kết của người dân khi các ô tô che chắn cho xe máy tránh gió trên cầu

Chúng ra chưa tranh luận về tính đúng sai ở đây và mục đích của những người chia sẻ chắc chắn là có ý tốt giúp đỡ người khác. Có những việc làm theo khiến người khác yên lòng và chẳng thiệt hại gì. Nhưng có những động tác rất nhỏ lại có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Và chẳng phải ai cũng bình tĩnh phân tích, đủ tỉ mỉ tìm hiểu tất cả để lựa chọn chính xác. 

Nhìn xa hơn chút gần đây chúng ra thấy ngay sau sự cố cháy chung cư mini, nhiều người rủ nhau mua thang dây để phòng thân, thoát hiểm khi có hoả hoạn mà không nghĩ đến tính thực tế hay an toàn của việc này. Hay việc nhiều người đua nhau mở cửa hàng đồ ăn theo "trend" mà không hiểu rõ thị trường và kế hoạch kinh doanh dẫn đến việc thất bại nhanh chóng. Cũng có những trường hợp như nhiều gia đình mua gạo tích trữ trong nhà quá nhiều chỉ vì sợ thiếu hụt lương thực khi có tin đồn. Có người lại tích cực mua thật nhiều đồ giảm giá về để trong nhà bất kể nhu cầu đến mức quên không dùng tới. Hay bài học kinh điển nông dân Việt Nam nuôi ốc bươu vàng, bán râu ngô, bứt lá hồ tiêu, trồng lan đột biến, tự ý thay đổi cây trồng không theo quy hoạch, rồi điệp khúc được mùa mất giá.

Đó là đối với người lớn. Câu hỏi đặt ra là với các bạn nhỏ, trong một xã hội dư thừa thông tin đa chiều chúng ta nên dạy cho các bạn điều gì? Rất nhiều thứ cần và rất nhiều điều cần nói rộng ra trong việc giáo dục cho trẻ. Trong phạm vi này tôi xin chỉ đề cập 2 ý nho nhỏ trong bộ kĩ năng thế kỉ XXI do P21 (*) đề xuất đó là: tư duy phản biện; kĩ năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin.

Tư duy phản biện, kĩ năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin không chỉ dành riêng cho người lớn; nó có thể được xây dựng từ khi còn nhỏ, bằng cách khuyến khích các em bày tỏ chính kiến cá nhân, đặt câu hỏi và suy nghĩ sâu hơn về mọi thứ xung quanh. Ở lứa tuổi tiểu học, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc tạo thỏi quen qua việc luyện tập những tình huống đơn giản và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày để các em có cơ hội thực hành. Những câu hỏi được lặp lại như em nghĩ thế nào về vấn đề A, B, … Tại sao chúng ta nên…? Điều gì sẽ xảy ra nếu…? Ngoài ra còn cách làm nào khác không?...

Toán học tại CGD thật như cuộc sống, kết hợp lý thuyết và thực hành thực tế vô cùng dễ gần
Toán học tại CGD thật như cuộc sống, kết hợp lý thuyết và thực hành thực tế vô cùng dễ gần

Ví dụ trong môn Toán dạy giải một bài toán như thế nào, nó không chỉ dừng lại việc tìm ra đáp số mà còn bao gồm hướng dẫn phân tích đề bài, suy ngẫm, tìm tỏi lời giải, trình bày nó, kiểm tra sự đúng đắn cũng như lý giải nguyên nhân phát sinh bài toán, nêu ra những hướng đi mới, phát triển bài toán vừa làm được. Thói quen đó cần được lặp lại đủ để hình thành phản xạ tự nhiên khi các em tiếp nhận, suy nghĩ, giải quyết về một vấn đề mới trong học tập hay trong cuộc sống.

Một bài tập vô cùng thú vị dành cho các bạn nhỏ CGD giúp khơi dậy trí tò mò và khả năng khám phá
Một bài tập vô cùng thú vị dành cho các bạn nhỏ CGD giúp khơi dậy trí tò mò và khả năng khám phá

Ngay cả trong các tình huống vượt quá khả năng của trẻ bố mẹ cũng có thể chia sẻ và tập dượt cho trẻ bằng cách hỏi ý kiến: Con nghĩ rằng mấy ngày mưa bão tới mình cần mua thêm những gì? Con biết tại sao mình cần chèn quần áo vào khe cửa kính không? Mưa bão thế này mình có nên ra ngoài không nhỉ? Tại sao? Mưa gió lớn mình nên đóng chặt cửa hay mở hé, mình cùng tra cứu thông tin này nhé!...

Trong các giờ thảo luận nhóm là cơ hội khuyến khích các em đưa ra ý kiến cá nhân, lắng nghe ý kiến của bạn bè và học cách tranh luận một cách lịch sự, tôn trọng. Khi một em nói: "Em nghĩ rằng việc làm này là tốt", giáo viên sẽ gợi mở bằng câu hỏi: "Tại sao em lại nghĩ như vậy? Có ý kiến nào khác không?"

Các bạn nhỏ CGD trong giờ học thảo luận môn Toán
Các bạn nhỏ CGD trong giờ học thảo luận môn Toán

Qua cách học thú vị trên, các em học cách lập luận và xây dựng ý kiến dựa trên lý lẽ, không chỉ theo cảm xúc hay ý kiến của người khác. Cách làm này giúp các em phát triển kỹ năng tư duy phản biện từ sớm, để có thể đánh giá thông tin một cách khách quan và đưa ra những quyết định sáng suốt trong tương lai.

Một dạng bài tập tại CGD yêu cầu các bạn nhỏ cần có kỹ năng Toán học kết hợp với kiến thức thực tế đời sống
Một dạng bài tập tại CGD yêu cầu các bạn nhỏ cần có kỹ năng Toán học kết hợp với kiến thức thực tế đời sống

Sử dụng các bài tập mở và sử dụng công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề là một cách làm tốt giúp phát triển tư duy phản biện và kĩ năng phân tích thông tin. Chúng ta đã vốn quen thuộc với các đề bài cho sẵn dữ liệu, thậm chí ngày càng quen với các bài toán có sẵn đáp án để lựa chọn. Nhưng thực tế cuộc sống lại không đơn giản như vậy, không phải mọi thứ đều được chuẩn bị cho ta để giải quyết vấn đề mà phải đi tìm, phải tự tạo ra, các đáp án cũng khó mà biết trước hoặc có thể còn chưa có tiền lệ.

 

Bài tập thực tế so sánh số lượng followers giữa hai ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới là  Lionel Messi và  Cristiano Ronaldo
Bài tập thực tế so sánh số lượng followers giữa hai ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới là  Lionel Messi và  Cristiano Ronaldo

Thay vì ra một đề bài so sánh số A và số B thì có thể để là so sánh số người theo dõi trang Facebook của Ronaldo và Messi; thay vì tính chu vi diện tích một hình chữ nhật có chiều dài và chiều rộng cho trước thì tính mặt bàn học, cửa chính, cửa sổ nhà em; dự kiến mâm cỗ Trung thu cho lớp với kinh phí không quá 600 000 đồng; tại sao cơn bão số 3 - bão Yagi lại gây ra sức tàn phá khủng khiếp đến như vậy,...

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, ba mẹ và các bạn học sinh cần định hướng chính xác về mục tiêu học tập và phát triển
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, ba mẹ và các bạn học sinh cần định hướng chính xác về mục tiêu học tập và phát triển

Trong thời đại mà thông tin giống như biển cả, tư duy phản biện giúp chúng ta phân biệt được đâu là con thuyền an toàn, đâu là chiếc bè nổi tạm bợ. Kỹ năng tìm kiếm và đánh giá thông tin như chiếc la bàn, giúp chúng ta xác định đúng hướng đi trên hành trình học tập và cuộc sống. Với những kỹ năng này, chúng ta không chỉ làm chủ tri thức mà còn biết chọn lọc những điều thực sự có ý nghĩa. Đó là cách để không bị cuốn trôi bởi dòng chảy của thông tin mà biết nắm bắt cơ hội và xây dựng giá trị cho riêng mình.

Thầy giáo Lê Văn Mạnh - tổ trưởng tổ Toán trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội Alpha Schools CGD

 

(*) P21 (Partnership for 21st Century Learning) là một tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ bao gồm các thành viên là các nhà tuyển dụng hàng đầu trên thế giới như Adobe, HP, Intel, Microsoft, Cisco, Apple, Oracle, Lenovo, Ford, Dell, các tổ chức giáo dục và khảo thí lớn như ETS, Pearson, EF Education, Discovery Education, Blackboard và nhiều các công ty công nghệ khác. P21 được thành lập vào năm 2002 với mục tiêu thúc đẩy giáo dục trong thế kỷ XXI đã xác định và phát triển các kỹ năng cần thiết cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu của thế giới hiện đại. P21 đã phát triển một khung kỹ năng được gọi là Framework for 21st Century Learning, bao gồm ba nhóm kỹ năng chính:

  1. Kỹ năng học tập và đổi mới (Learning and Innovation Skills): Bao gồm tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác (4Cs).

  2. Kỹ năng thông tin, truyền thông và công nghệ (Information, Media, and Technology Skills): Kĩ năng tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin; kiến thức về công nghệ thông tin và truyền thông.

  3. Kỹ năng cuộc sống và nghề nghiệp (Life and Career Skills): Gồm khả năng thích ứng, linh hoạt, quản lý thời gian, lãnh đạo, trách nhiệm cá nhân và làm việc hiệu quả trong môi trường đa văn hóa.

---

Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội

Thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest

"ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC - MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI"

Địa chỉ : 229 Phố Vọng, Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại : 08 3638 9229

Fanpage : https://www.facebook.com/TruongTieuHocCongNgheGiaoDucHaNoi/

Website : https://cgd.alphaschool.edu.vn/vi

Tin tức liên quan

GIẢI GOLF 3D ĐỒNG ĐỘI TRƯỜNG HỌC 2024 TẠI ALPHA CGD - CỘT MỐC TIÊN PHONG CHO GIÁO DỤC GOLF VIỆT NAM
Giờ đây, golf đã không chỉ được giảng dạy trong giờ thể chất nhà trường, mà còn là thi đấu Giải golf ngay trong điều kiện cơ sở vật chất của mỗi lớp học.
TUẦN LỄ TẤT TƯNG TỬNG TẠI ALPHA CGD: SÂN CHƠI SÁNG TẠO VÀ GIÁ TRỊ TÔN TRỌNG
Tuần lễ “Tất Tưng Tửng” tại Alpha CGD là dịp để các CGDers thể hiện cá tính qua những đôi tất độc đáo và cũng là một hành trình đầy cảm xúc, giúp các bạn hiểu sâu sắc hơn về sự tôn trọng và kết nối giữa giữa con người với nhau.
Khảo sát thực tế định kỳ năm học 2024-2025 của Ban Kiểm định và Đảm bảo Chất lượng EQuest
Ngày 28/10/2024, trường Alpha CGD vinh dự đón tiếp Ban Kiểm định và Đảm bảo Chất lượng của Equest (gọi tắt là Ban Kiểm định) đến khảo sát thực tế trong khuôn khổ chương trình kiểm định thường niên.